Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

HẸN KHAU VAI


Em không là cô gái Mông
Mỗi năm một lần về Khau Vai tìm người yêu cũ
Nhưng trong em một Khau Vai luôn thầm nhủ:
Anh hãy về cùng em…

Anh hãy dìu em về tuổi hoa niên
Nước mắt ngọt một thời thiếu nữ
Để suốt đường đời lặng thầm nỗi nhớ
Neo tình anh phảng phất Khau Vai

Người yêu ơi
Nếu có một lần đến Khau Vai
Anh hãy đợi em bên triền đá vắng
Trong hoàng hôn tĩnh lặng
Em sẽ cùng anh chờ hái sao Kim.    

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

THÊM MỘT TUỔI



  

Tràn đầy hạnh phúc trong ngày sinh thứ 57. Tôi lại thấy mình thật may mắn được sống giữa yêu thương của những người thân trong gia đình và bạn bè.




Quà sinh nhật của phóng viên TT Truyền hình VN tại Phú Yên



Tri ân những tình cảm nồng hậu của mọi người, tôi sẽ sống tốt hơn, làm nhiều điều có ích cho cộng đồng, trong đó có những người thân yêu của tôi. 

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

THEO DẤU HƯƠU SAO

QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG



          Buổi sáng đi siêu thị. Đang chọn cá thì tôi chợt cảm thấy có ai đang nhìn mình. Ngẩng mặt lên tôi bắt gặp ánh mắt của một bà cụ đang nhìn tôi đăm đắm. Tôi mỉm cười chào bà. Thấy bà đang giữ chặt tay người phụ nữ đi cùng, tôi bắt chuyện:
- Bà đi siêu thị lần đầu ạ? Con gái bà đấy phải không?
- Ừ, bây giờ già mới đi siêu thị, đi với con dâu.
Mắt vẫn nhìn tôi đăm đắm, bà nắm bàn tay tôi vuốt mãi và ân cần hỏi:
- Được mấy đứa con?
Tôi thưa:  
          - Dạ, con có một con trai.
          Bà gật gật đầu, mắt vẫn nhìn tôi, miệng nở nụ cười đầy yêu thương.
          Tôi chào bà rồi tiếp tục chọn hàng ở quầy bên cạnh. Lúc đến bàn cân hàng, tôi gặp lại hai mẹ con bà cụ. Bà lại âu yếm nắm tay tôi và mỉm cười, nụ cười như bỡ ngỡ mà ấm áp yêu thương…
          Cứ ấm mãi trong tôi ánh mắt và nụ cười của bà cụ không quen biết. Tôi thấy mình hạnh phúc vì được cuộc sống ban tặng một món quà quý đến thế. Món quà ấy cho tôi hiểu thêm giá trị cuộc sống. Hãy sống chân thành và hết mình với mọi người, cuộc sống sẽ mỉm cười với ta. Cuộc đời nhân hậu bao dung luôn nâng bước chân ta và tiếp cho ta nguồn năng lượng vô biên để ta thêm trân trọng mỗi ngày ta sống.

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

TRĂNG MÙA ĐÔNG



Muà đông phương Nam
Mây tràn về theo gió bấc
Chợt mảnh trăng chưa tròn
Xanh ngắt giữa hai vầng mây lạnh…

Như không hề có mùa Đông
Trăng non tơ giữa Hạ ấm nồng
Xao xuyến con tim lỗi nhịp
Đông có kịp về với trăng không?

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

VỀ LẠI NGÀY XƯA

Một vùng nắng giữa miền mưa
Một vùng thực giữa miền mơ ngọt ngào
Một vùng tỉnh giữa chiêm bao
Một vùng nhớ giữa khát khao đợi chờ…



Bao giờ về lại ngày xưa
Tuổi em mười bảy còn vừa mắt anh
Thuở nhận những lá thư xanh
Những bông hồng thắm anh dành tặng em
Để còn mãi ấm trong tim
Một thời thiếu nữ êm đềm tình anh

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

THU HÁT CHO NGƯỜI


 
Thu đã ngả màu đông
Vẫn muốn gửi người câu hát cũ
“Thu hát cho người”…

Yêu dấu ơi
Dòng sông nào đưa người tình đi mãi
Bóng chiều rơi còn vương lại thu xưa
Đông sẽ về… biết mấy gió mưa
Đêm nguyệt cầm vẫn ấm lòng người ở lại
Gốc sim già đẫm tương tư vẫn đợi
Suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông

Yêu dấu ơi
Giữa chúng mình vẫn ăm ắp một dòng sông
Chở nhớ mong, yêu thương, chờ đợi
Ta nhặt hoài những mùa vàng vời vợi
Thu hát cho người
Hát mãi
Người yêu ơi…

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

NGƯỜI ĐÀN BÀ THÉP CỦA PHÚ YÊN


·           Huân chương Lao động hạng Ba
·           Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
·           Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ
·           Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
·           Cúp Thánh Gióng - Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu
·           Giải thưởng Bông Hồng Vàng - Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu
·           Cúp vàng Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc
·           Cúp vàng Giám đốc tài năng
        
Bắt đầu từ đâu trên bảng thành tích sáng giá này?  
Chị đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong hình ảnh một nữ doanh nhân tài ba gắn liền với địa danh Phú Yên. Có người gọi chị - Võ Thị Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thuận Thảo là “Người đàn bà thép” của Phú Yên cũng không hẳn là nói ngoa. Sóng gió thương trường đã đào luyện một bản lĩnh Võ Thị Thanh và bật sáng một Thương hiệu Thuận Thảo.
Khởi nghiệp từ quê hương Phú Yên, nữ doanh nhân Võ Thị Thanh khao khát làm giàu cho chính mình và chính quê hương mình. Chị đã làm được điều đó. Tên tuổi chị và doanh nghiệp của chị được ghi nhận là đã góp phần quan trọng khởi sắc quê hương Phú Yên. Nhiều người biết Phú Yên hơn, nhiều người đến với Phú Yên hơn nhờ những đóng góp tích cực của Công ty Cổ phần Thuận Thảo. Còn người dân Phú Yên thì không cần  nhớ đầy đủ tên của Doanh nghiệp qua các thời kỳ, không nhớ chính xác tên của nữ chủ nhân, họ gọi Doanh nghiệp là “Thuận Thảo” và gọi bà chủ là “Bà Thuận Thảo”. Với những điều Thuận Thảo làm cho quê hương, có người dân Phú Yên đã nói: “Thành phố Tuy Hòa nên có một con đường mang tên Thuận Thảo”. Những người dân quê Phú Yên lần đầu tiên đi chọn hàng rồi trả tiền tại quầy máy tính là từ siêu thị của Bà Thuận Thảo, lần đầu tiên được phục vụ những chuyến xe “Hàng không trên mặt đất” với bến bãi và lịch trình chất lượng cao cũng từ Thuận Thảo. Những em bé nhà nghèo cha mẹ không có tiền đưa đi chơi ở các thành phố lớn được biết mọi trò chơi dành cho trẻ em tại Trung tâm Giải trí và Sinh thái Thuận Thảo… Rồi một Trung tâm Hội nghị - Triển lãm và Dịch vụ, một Khách sạn 5 sao CenDeluxe chuẩn quốc tế, một khu nghỉ dưỡng Resort Golden Beach, một Nhà hát Sao Mai sức chứa 3.500 chỗ ngồi  - những công trình qui mô và đẳng cấp cao đầu tư vào lĩnh vực văn hóa và du lịch được Thuận Thảo hoàn thành với tốc độ chóng mặt. Chính nữ tướng Võ Thị Thanh với niềm đam mê cháy bỏng và đôi chút mạo hiểm là tổng chỉ huy tất cả những công trình đó. Chị luôn ở điểm nóng của công trình, lập tức xử lý mọi tình huống để công trình có thể hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Chất thép ở chị chính là ý chí quyết liệt thực thi những chiến lược đã được hoạch định. Chất thép đó cũng là đặc điểm nổi bật trong bản lĩnh kinh doanh của nữ doanh nhân Võ Thị Thanh. Nhiều người khuyên chị hãy “bớt lửa” đi, hãy mềm mại một chút. Nhưng nếu thế thì không còn một Bà Thuận Thảo đặc biệt - người đàn bà thép của Phú Yên.
Từ một Tổng đại lý phân phối hàng hóa trong những năm 1985 - 1996 với hai lĩnh vực kinh doanh chính là Vận tải và Thương mại, đến nay Công ty Cổ phần Thuận Thảo hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực: vận tải hành khách chất lượng cao, Vận tải Taxi; Vận tải hàng hóa; Khách sạn 5 sao CenDeluxe, Resort; Du lịch Sinh thái & Giải trí; Du lịch lữ hành; Sản xuất nước uống đóng chai SUGA… Hiện nay, Công ty Cổ phần Thuận Thảo là doanh nghiệp duy nhất ở Phú Yên niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Thương hiệu Thuận Thảo gắn liền với những chiến lược táo bạo đầy tính tiên phong của người đứng đầu doanh nghiệp và hiệu quả của những chiến lược đó trong đời sống cộng đồng. Như nhiều doanh nhân thành đạt khác, chị Võ Thị Thanh có những tố chất nổi trội trong con người kinh doanh. Nhưng có lẽ yếu tố khẳng định một hình ảnh Võ Thị Thanh khác biệt trong giới doanh nhân Việt Nam chính là sự kết hợp hài hòa giữa Khối óc - Trái tim - Khí phách trong tính cách của chị.
Thông minh, nhạy bén trong nắm bắt cơ hội kinh doanh, đầy bản lĩnh quyết đoán khi thực hiện chiến lược phát triển, luôn mạnh mẽ và thẳng thắn khi bộc lộ quan điểm, ý kiến cá nhân, chị tiến những bước dài trên thương trường. Những bài học cạnh tranh thực tiễn trong cuộc đời, những kiến thức từ  Trường Luật và sách vở luôn nhắc chị văn hóa kinh doanh lành mạnh với một chữ Tín, cho tất cả mọi người, trong tất cả mọi hoàn cảnh bởi chị hiểu rõ: Uy tín tạo dựng thành công. Trong điều hành phát triển doanh nghiệp, chị luôn quan tâm 3 yếu tố: Con người, tính chuyên nghiệp và uy tín. Đầu tư đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên lành nghề là việc mà chị luôn chú trọng. Chính điều đó đã góp phần quan trọng tạo nên dấu ấn một doanh nghiệp Thuận Thảo không ngừng vươn tới đẳng cấp cao.
Không chỉ có khối óc sáng tạo, ý chí mạnh mẽ, chị còn mang trong mình trái tim nồng ấm của một người phụ nữ rộng lòng bao dung. Sẵn sàng chia sẻ cơ hội kinh doanh với các doanh nghiệp khác theo phương châm “Tôi với anh cùng thắng”; làm từ thiện không chỉ với trách nhiệm xã hội mà bằng cả cái Tâm với những người nghèo, những người bất hạnh; thưởng phạt công minh, thấu tình đạt lý và luôn quan tâm đến quyền lợi của người lao động trong công ty - đó là tâm huyết của chị. Hẳn chị sẽ rất vui khi nghe nhân viên nói về mình: “Cô Thanh nóng tính nhưng bao giờ thưởng phạt cũng rất công bằng”. Hoặc: “Tuy cô hay la to nhưng làm việc với cô rồi mới biết tâm cô rất lành. Cô thương người lắm”. Bằng cái tâm lành ấy, chị đến với mọi người một cách chân thành, bình dị. Dường như chính cái tâm lành ấy làm chất thép ở người phụ nữ này thêm đặc biệt. Và, với nụ cười hồn nhiên, chị lại càng tỏa sáng.
Táo bạo với những bước tiên phong khai phá và chiếm lĩnh trên con đường dẫn dắt Công ty Cổ phần Thuận Thảo không ngừng phát triển, chị Võ Thị Thanh đã phải vượt qua không ít gian nan, không tránh khỏi điều nặng tiếng nhẹ  của người đời. Chị vẫn tự tin: “Trời ban cơ hội công bằng cho tất cả mọi người, ai nắm bắt nhanh thì được”. Có vẻ như cơ duyên thiên mệnh và nhân định của chị cộng hưởng tốt nên hầu như chị ít khi quyết định sai trong việc chớp lấy cơ hội kinh doanh. Lại những ý tưởng khai phá mới, không kém phần táo bạo so với những gì đã làm được, chị đang hoạch định một tương lai gần cho Thuận Thảo của chị.
Còn với riêng mình, thật ấm áp và dễ thương, chị đang mơ về một lớp học Anh văn cho hai người: chị và chồng chị. Gia đình là nơi chị nương náu mỗi khi bị gai góc thương trường cào xé. Chồng con là những người dưỡng thương cho chị. Một lòng một dạ với chồng dù có lúc gạt thầm nước mắt, chị vẫn tâm niệm: có quyền chọn mà không được quyền đổi. Chị đã được đền đáp bởi những ngọt ngào  đầm ấm với người chồng đầu ấp tay gối thuở thanh xuân.     
Một tin vui bất ngờ đã đến với nữ doanh nhân Võ Thị Thanh và Công ty Cổ phần Thuận Thảo khi Tổ chức Quốc tế Business Initiative Directions (B.I.D) công bố Thuận Thảo được chọn là một trong 500 doanh nghiệp trên toàn thế giới nhận giải thưởng quốc tế INTERNATIONAL QUALITY CROWN AWARD. Dự kiến Lễ trao giải sẽ được tổ chức tại thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh,  vào lúc 18h30 ngày 27/11/2011.
Người đàn bà thép của Phú Yên vẫn không ngừng khai phá và chiếm lĩnh trên thương trường. Chị tiếp tục tỏa sáng.

GỬI ANH NGUYỄN XUÂN THẢO

Có phải vì anh là lính của Ba
Em thấy anh vô cùng thân thiết
Bao tháng năm qua nào em có biết 
Một người anh hiện hữu không xa.

Gặp anh rồi em thấy đời thêm đẹp
Mấy gian nan rồi cũng sẽ qua
Ký ức mang theo không dễ xóa nhòa
Như mạch nguồn nuôi ta sống tiếp.
 
Anh đừng buồn vì mình không duyên kiếp
Hãy vui khi số phận đã an bài
Dẫu không đượm thắm duyên tình đẹp
Ta mãi còn tình đời nồng hậu không phai.
                                 
                       Nha Trang, ngày 06 tháng 11 năm 2007

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

VU LAN NHỚ MÁ




Tôi không đi chùa để nghe thuyết về Lễ Vu lan, để được cài lên áo một bông hồng màu trắng... Lặng lẽ một mình với trăng rằm tháng Bảy, nhớ má vô cùng.

Suốt cuộc đời làm vợ, sinh bốn đứa con, má tôi toàn vượt cạn một mình không có ba tôi bên cạnh. Lại suốt gần một phần tư thế kỷ xa chồng, má tôi một mình nuôi dạy con. Ba tôi chỉ thực sự về với má tôi khi người lâm bệnh năm 1976. Nuôi con rồi lại chăm chồng đau ốm, má tôi chưa được sống an nhàn một ngày thì lâm bệnh.
Nước mắt chảy xuôi, chúng tôi chỉ biết nhận từ ba má sự yêu thương mà chưa biết làm gì đền đáp công ơn của ba má. Khi biết má mắc bệnh ung thư, chị em tôi bàng hoàng. Và có lẽ từ đó chúng tôi mới thực sự trưởng thành. Chúng tôi hạnh phúc vì được ở bên cạnh chăm sóc, báo hiếu ba má. Ba má tôi lâm bệnh nặng vào thời kỳ cả nước khó khăn, gia đình tôi lại càng khó khăn hơn. Nhưng cả ba má tôi đều là những người có bản lĩnh tuyệt vời trong chiến đấu với bệnh tật. Suốt 8 năm chung sống với ung thư, lúc nào má tôi cũng tràn đầy lạc quan. Điều đó là điểm tựa tinh thần rất lớn đối với chị em tôi. Chưa bao giờ chúng tôi phải làm công tác tư tưởng cho má tôi. Người luôn tự tin, vững vàng qua mỗi tháng ngày điều trị. Tháng Mười năm 1983, em Hương đưa má tôi vào Bệnh viện K Sài Gòn khám bệnh sau phẫu thuật, người lại đưa em xuống Cần Thơ thăm tôi đang tập huấn nghiệp vụ ở đó. Suốt thời gian đau bệnh, không lúc nào người đòi hỏi gì, luôn động viên các con công tác tốt. Hồi ấy, lâu lâu tôi mới mua được cho má một hột vịt lộn. Người ăn mà vẫn xắn phần dành cho cháu. Cứ thế, lúc nào người cũng chỉ lo cho con cháu.
Lòng tôi trĩu nặng mỗi khi nhìn má vật vã chống chọi với những cơn đau. Những tháng ngày nằm viện sau này, có lúc người nói với tôi về cái chết. Hồi ấy tôi đọc những trường hợp người ta nhận biết về cái chết, về thời điểm sự sống rời khỏi thân xác. Tôi nói với người về ánh sáng cuối đường hầm, về vũ trụ bao la ngân nga khúc nhạc tình thương.  Trong ánh trăng rằm vời vợi này, tôi nghĩ má tôi đã đến miền cực lạc. Người xứng đáng được lên cõi niết bàn vì những gì người đã làm cho chồng và các con, cho cả cộng đồng.

Má ơi, trên sân thượng nhà con, trăng rằm tháng Bảy thật xa mà thật gần, như má lúc nào cũng bên con. Cầu mong linh hồn người mau siêu thoát, dù con nhớ má biết bao.           


Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

NỖI ĐAU DA CAM

Khi rải rác đó đây một vài người dị dạng vì nhiễm chất Đioxin, tôi vẫn thấy lòng nhói đau. Nhưng khi nhìn thấy gần 50 người với những hình hài biến dạng thì tim tôi như ngưng đập, và nước mắt nóng bỏng trào ra. Đồng bào tôi đó - những con người được thống kê trong tổng dân số Việt Nam. Họ đã sống mỗi phút giây, dù ý thức được hay không, để chiến đấu với nỗi đau da cam, nỗi đau nghiệt ngã trong dòng máu Việt sau chiến tranh chống Mỹ. Họ - những nạn nhân chất độc da cam/dioxin là "những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ". Tôi lại thấy mình được ưu ái quá nhiều, được Trời Phật ban phát quá nhiều. Những gì đã làm tôi đau khổ chẳng nghĩa lý gì so với bất hạnh của những nạn nhân bị nhiễm chất điôxin. Tôi phải sống tốt hơn nữa, và phải làm gì đó thiết thực hơn nữa cho những đồng bào bất hạnh của tôi. 

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

NHỚ QUANG TIẾN

Em ghé thăm tôi trên đường từ Hà Nội về Cần Thơ. Tháng Năm tôi đi Cần Thơ, không liên lạc được với em nên không về thắp hương cho Quang Tiến, tôi buồn. Em vẫn gọi tôi từ số máy cũ, chợt thấy ấm lòng...
Nhìn em, tôi nhớ Phan Quang Tiến của tôi. Tôi không hình dung được nếu còn sống đến bây giờ trông người ấy như thế nào. Cái tên ấy có lẽ đối với nhiều thày cô là nỗi phiền toái. Còn với tôi, khi xa nhau rồi tôi mới nhớ người làm sao. Tôi đã tìm hỏi khắp bạn bè mà không ai có thông tin gì về người. Suốt những năm đầu mới về Nam, sống với Nguyễn Lộc rồi chia tay Nguyễn Lộc, tôi vẫn tìm người. Tôi chỉ muốn biết người sống ra sao, gia đình về Nam ở đâu, Huệ-Hiền-Sỹ thế nào… Khi có được tin về người thì tôi đã mất người vĩnh viễn. Tôi đã nguyện là sẽ đến thắp một nén hương trên mộ người. Mãi đến năm 2006 tôi mới biết gia đình người ở Cần Thơ. Nếu có duyên thì tháng 10/1983 tôi đã được gặp người khi tôi đi học lớp AIBD.
            Trở lại Cần Thơ năm 2006, tôi khóc như mưa trước ảnh người. Vẫn là Quang Tiến của tôi bốn mươi năm trước - ánh mắt, nụ cười… Tôi lại nhớ một buổi tối mưa to ở ký túc xá Mễ Trì, người sừng sững trước cửa phòng tôi, sũng nước từ đầu đến chân. Tiễn người ra bến tàu điện, người nắm bàn tay tôi, vẫn chẳng nói một lời. Trước đó hai năm, người nói yêu tôi khi trong tim tôi đã có hình người khác. Từ đó không bao giờ người còn nói yêu tôi. Vậy mà sao khi xa nhau, tôi nhớ người đến thế. Mấy chục năm qua, người vẫn thường về trong giấc mơ của tôi. Và tôi hay nghĩ đến những dòng thơ của Onga Bergon: 
Anh vẫn về trong những giấc mơ em
Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh
Anh một thuở của cuộc đời như chim, như nắng
Như tình yêu hạnh phúc vô bờ…
        Tôi đã gửi đến người những nén hương thơm tình yêu và nỗi nhớ của tôi, của bạn bè. Có lẽ nơi xa ấy, người cũng hiểu rằng chúng tôi có duyên mà không có phận. Chỉ mong người nhẹ nhõm mà siêu thoát.  

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

THEO DẤU HƯƠU SAO

Bếp ăn từ thiện Bệnh viện tỉnh Phú Yên 

Cách đây  năm, nhiều người dân thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên đã biết đến một nhóm từ thiện mang tên Tài Trang, do mọi người ghép từ tên hai thành viên sáng lập. Từ lúc chỉ 3 - 4 người, nhóm từ thiện đã phát triển đến hơn 10 người. Tất cả gặp nhau ở lòng xót thương những cảnh đời bất hạnh, nhất là những người nghèo gặp bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng. Nhưng muốn giúp đỡ họ thì phải có tiền, các chị đã cùng nhau mỗi tháng vào ngày rằm và đầu tháng đến chùa làm bánh ngọt bán kiếm lời để làm từ thiện. Từ một vài bữa ăn, ký gạo, hộp sữa đến tiền viện phí, thuốc men... hễ ai cần đến là các chị sẵn sàng giúp đỡ bằng khả năng có được, bất kể canh khuya gà gáy, ngày mưa tháng nắng...







Gặp nhiều nhân duyên, nhóm từ thiện Tài Trang đã cùng xây dựng một Bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Từ năm 2002, Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã trở thành một điểm tựa ấm áp của hàng ngàn gia đình bệnh nhân lâm vào cảnh khốn cùng. Hằng ngày, 20 tình nguyện viên đã thay phiên nhau đi chợ, nấu nướng và cung cấp miễn phí từ 100 - 150 suất ăn... Bếp ăn bây giờ đã trở nên khang trang rất nhiều khi "tiếng lành đồn xa" được nhiều người hảo tâm tìm đến góp sức cho việc từ thiện này. Bếp ăn được đầu tư, nâng cấp các phòng chức năng và dụng cụ nấu ăn như một nhà hàng!
Nơi đây vẫn hàng ngày ấm lửa tình thương với những bệnh nhân nghèo và vẫn luôn mong chờ sự chia sẻ của mọi người.

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

THEO DẤU HƯƠU SAO

CƠ SỞ NGUYỄN NGA

Hươu Sao xin giới thiệu một địa chỉ mới để Xóm Tri Ân cùng tham quan: www.nguyennga.org.




Cơ sở Nguyễn Nga là đơn vị tư nhân hoạt động xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận, hoàn toàn mang tính nhân đạo và từ thiện với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.








Từ năm 1993 đến giữa năm 2007, Cơ sở Nguyễn Nga (NNC) hoạt động theo mô hình: Giáo dục & đào tạo gồm: Can thiệp sớm - Giáo dục hòa nhập - Giáo dục chuyên biệt - Đào tạo nghề và Sau giáo dục - đào tạo.
Năm 2008, NNC hoạt động theo mô hình Sau giáo dục - đào tạo dưới 2 hình thức: hỗ trợ việc làm tại đơn vị và Trợ giúp từ cộng đồng. NNC đang trợ giúp hơn 150 em khuyết tật cùng 10 nhân viên, giáo viên và tình nguyện viên.
Đến với NNC, du khách sẽ được giao lưu với các em qua các tiết mục văn nghệ, các tác phẩm hội họa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt các em khiếm thính có thể giao tiếp bằng tiếng Anh... Ngoài ra du khách sẽ được tham quan một số điểm di tích và làng nghề Bình Định bằng xe ngựa, xe trâu, xe đạp, Honda và Vespa cổ...
Chúng ta, những người sinh ra được may mắn hơn, hãy một lần đến tham quan NNC để thấy mình muôn vàn hạnh phúc, góp một phần nhỏ cùng NNC chia sẻ với những người khuyết tật. 

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

THEO DẤU HƯƠU SAO

Thăm bạn ở Vĩnh Long



Đường vào ấp An Phú B. Cây lá tỏa bóng rợp mát con đường bê tông nhỏ.










 

 Ấp An Phú B, xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là quê chồng người bạn thuở nhỏ của chúng tôi. Bùi Thị Phi Nga, cô bé đẹp người đẹp nết của nông trường Chí Linh đã làm dâu ở miệt vườn này hai mươi bốn năm.
Bà Phan Thị Xuân - mẹ chồng Nga và các chị em dâu vẫn nói về Nga đầy yêu thương.





Sau hơn 3 năm chống chọi với bệnh ung thư, Phi Nga đã ra đi, để lại bao tiếc nhớ cho người thân, bạn bè.




 



Mẹ già và 2 em gái còn ở nông trường Chí Linh, Phi Nga đã về nhà chồng vĩnh viễn. Anh Võ Văn Huệ - chồng Nga và 2 con gái Võ Phi Yến, Võ Yến Nhi vẫn đơm cơm để Nga cùng ăn trong mỗi bữa hàng ngày. Và mỗi khi từ thành phố Vĩnh Long về quê, anh Huệ và các con lại về với Nga.


 

 Phi Nga vẫn sống trong trái tim yêu thương của những người thân yêu trong gia đình và bạn bè.













 Nằm giữa khu mộ nhà chồng, có lẽ Phi Nga luôn thấy ấm áp. Mỗi khi gia đình có dịp sum họp, mọi người lại về bên Nga. Dù đã đi xa, Nga vẫn sống mãi trong yêu thương của gia đình.
Một nén hương để thêm hơi ấm cho người bạn thuở nhỏ. 






Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Bé Trần Thị Kiều Linh - lớp 6A, Trường THCS Lương Tấn Thịnh, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên -       5 năm liền đạt học sinh giỏi.




UBND huyện Đông Hòa đã tặng em nhiều Giấy khen vì thành tích học tập xuất sắc.
Ngôi nhà nhỏ ven đường hôm nay xôn xao vì nhiều người có mặt chứng kiến một sự kiện đáng ghi nhớ đối với em.

Mấy chị em Kiều Linh bối rối vì sự quan tâm của mọi người. Cha mất sớm, mẹ chuẩn bị chấp hành án tù 9 năm 6 tháng vì sa vào đường dây buôn bán ma túy, mấy chị em thành mồ côi, sống dựa vào sự chăm sóc của vợ chồng người bác ruột.
Chương trình Đèn đom đóm Phú Yên thuộc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Phú Yên đã kết nối các nhà hảo tâm để giúp đỡ chị em Kiều Linh.
Đứng giữa ba đứa con thơ dại, người mẹ này nghĩ gì? Cuộc đời các con chị sẽ ra sao sau 9 năm rưỡi thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ?



Nước mắt tủi cực giàn giụa... Kiều Linh còn tiếp tục đi học được nữa hay không? Bây giờ em đã phải một buổi đi học, một buổi đi làm để kiếm tiền. Em bước vào thời thiếu nữ với bao cay đắng. Sự chia sẻ của các nhà hảo tâm động viên em rất nhiều. Tình thương yêu của vợ chồng bác Sáu là điểm tựa cho chị em Kiều Linh. Nhưng đường đời phía trước còn bao nỗi gian truân...

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

NHỚ BA MÁ


Ba má của chúng con!
Sắp giỗ ba má lần thứ hai mươi, con vẫn thấy như ba má ở bên chúng con mỗi ngày. Nước mắt nghẹn ngào cho âm dương cách biệt hai mươi năm. Ngày ba má mất con không khóc được, nước mắt đã khô trong suốt những tháng năm bên giường bệnh của ba má. Còn bây giờ, nỗi nhớ thương tràn về, con lại thấy ba má hiển hiện, trong yêu thương bao la Người dành cho chúng con. Con đây, Tô Hà của ba má đây ạ, đứa con gái đầu lòng mà ba má đã hết lòng yêu thương, kỳ vọng và cũng là đứa con làm khổ ba má nhất trong 4 đứa con của Người.
Hôm nay con lại nhớ những ngày này cách đây 20 năm. Ba đi, rồi má đi 6 ngày sau đó. Chị em con, đứa thì con dại, đứa thì bụng mang dạ chửa, em Trung nhỏ nhất nhà lúc đó đã phải gánh trọng trách trưởng nam, lo đại tang. Con cũng không biết bằng cách nào mà chúng con đã vượt qua những tháng ngày ấy, khi mà cả nước đều nghèo khổ. Mọi người biết hòan cảnh nhà mình lúc đó đều khen chị em con có hiếu. Chúng con thì vẫn ân hận vì còn bao nhiêu điều chưa chu đáo với ba má. Con thấy ba má thật thiệt thòi vì lâm bệnh nặng trong những năm tháng cả đất nước vật vã trước thời kỳ đổi mới. Nhà mình quá nghèo, may có lương hưu của ba và chế độ chăm sóc y tế bao cấp, nếu không má làm sao trị xạ được đủ liều. Càng được hưởng cuộc sống đầy đủ sau này, chúng con càng thương ba má nhiều hơn.
Có lẽ ba má cũng hiểu lòng chúng con nên đã phù hộ cho chị em chúng con vượt qua khó khăn, có được cuộc sống bằng chúng bằng bạn. Cõi đời vô cùng, chúng con không còn quá nghèo khổ như xưa, và cũng không mong quá giàu sang phú quí. Suốt hai mươi năm qua, chúng con đùm bọc yêu thương nhau như ba má đã dạy. Con luôn nhắc các em rằng: nhà mình chưa bao giờ giàu tiền giàu của, chỉ có mỗi tình cảm là vốn quí nhất, phải luôn gìn giữ. Đó đã là nền nếp của nhà mình. Nền nếp ấy được chị em con tiếp tục truyền dạy cho các cháu nội ngoại của ba má.
Giỗ ba năm nay, các anh lính cũ của ba cũng về. Chúng con đã liên lạc được với các anh hơn một năm nay. Chị em con coi các anh như anh em ruột thịt. Ba má sống khôn thác thiêng phù hộ cho anh em chúng con luôn được bình an. Chúng con sẽ quây quần bên nhau trong yêu thương của Người.
Nơi xa ấy ba má hãy yên lòng. Cầu mong linh hồn Người thanh thản miền an lạc.

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

XA VẮNG

          Có vẻ như người lại đóng mọi cánh cửa trước tôi. Tôi biết, đâu đó dòng sông xưa vẫn chảy, êm đềm, đầy ắp yêu thương, như suốt bao nhiêu năm tháng qua. Dòng chảy âm thầm lặng lẽ đó luôn bên tôi, như một điểm tựa bền vững mà tôi có thể được tiếp thêm nhựa sống trên mỗi bước đường đời. Tôi đã không biết gìn giữ, nâng niu dòng chảy đó để bây giờ thấy mình bị chặn mọi lối đi.
        Xa vắng ơi, nếu người vui vì xa vắng thì hãy cứ xa. Riêng tôi vẫn thấy an lành trong dòng chảy đó. Tôi đã học từ đạo sư Duy Tuệ: Yêu thương ai đó không mong được đền đáp, chỉ cầu hai chữ BẰNG AN.
        Đã xa thật xa, tiếng gió đông vi vút rặng phi lao, tôi vẫn thấy tim mình lỗi nhịp với ký ức xưa. Người đã hẹn cùng tôi đọc tiếp những chuyện cổ tích, vậy mà...
      Tôi sẽ chờ, dù bao lâu, Xa vắng ạ. Những trang cổ tích đời thường vẫn đợi cuối đường...

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

NGUYỄN HỒNG CÔNG – NỤ CƯỜI Ở LẠI


Những dòng đầu tiên của Nụ cười ở lại bắt đầu vào tôi.
NGUYỄN HỒNG CÔNG
Tôi đang thấm dần em: Nỗi đau thể xác không tả xiết với máy chạy thận - Nỗi đau tinh thần càng không thể tả.
Mỗi ngày em sống là một trận chiến. Em đã chọn NỤ CƯỜI để gửi đến tương lai.
Mười bốn tuổi Nguyễn Hồng Công suy thận. Rời trường phổ thông là em vào viện. Kiến thức của em không nhiều. Những cuốn sách của em chỉ nói về cuộc chiến của chính em với bệnh tật… Tác phẩm của em đã được nâng đỡ và trao chuyền bởi yêu thương và trân trọng của nhiều người dành cho em vì nghị lực sống của em. Đã có nhiều người được em tiếp sức trên con đường chiến đấu với bệnh tật. Riêng tôi, tôi biết mình đã may mắn biết bao khi được sở hữu một sức khỏe tốt hơn em. Tôi học thêm từ em Tình yêu cuộc sống để thêm trân trọng những gì đã được nhận từ cõi đời này. Và tôi rõ thêm: cuộc đời mênh mông làm sao. Một việc làm có ích - dù nhỏ; một niềm vui thánh thiện; một yêu thương chân thành… đều có thể làm cho đời đẹp thêm.
Tôi lại tự nhủ lòng: Hãy vượt lên những nỗi buồn, kể cả bất hạnh. Cuộc sống luôn bù đắp xứng đáng cho mỗi cố gắng của ta.