Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

VU LAN NHỚ MÁ




Tôi không đi chùa để nghe thuyết về Lễ Vu lan, để được cài lên áo một bông hồng màu trắng... Lặng lẽ một mình với trăng rằm tháng Bảy, nhớ má vô cùng.

Suốt cuộc đời làm vợ, sinh bốn đứa con, má tôi toàn vượt cạn một mình không có ba tôi bên cạnh. Lại suốt gần một phần tư thế kỷ xa chồng, má tôi một mình nuôi dạy con. Ba tôi chỉ thực sự về với má tôi khi người lâm bệnh năm 1976. Nuôi con rồi lại chăm chồng đau ốm, má tôi chưa được sống an nhàn một ngày thì lâm bệnh.
Nước mắt chảy xuôi, chúng tôi chỉ biết nhận từ ba má sự yêu thương mà chưa biết làm gì đền đáp công ơn của ba má. Khi biết má mắc bệnh ung thư, chị em tôi bàng hoàng. Và có lẽ từ đó chúng tôi mới thực sự trưởng thành. Chúng tôi hạnh phúc vì được ở bên cạnh chăm sóc, báo hiếu ba má. Ba má tôi lâm bệnh nặng vào thời kỳ cả nước khó khăn, gia đình tôi lại càng khó khăn hơn. Nhưng cả ba má tôi đều là những người có bản lĩnh tuyệt vời trong chiến đấu với bệnh tật. Suốt 8 năm chung sống với ung thư, lúc nào má tôi cũng tràn đầy lạc quan. Điều đó là điểm tựa tinh thần rất lớn đối với chị em tôi. Chưa bao giờ chúng tôi phải làm công tác tư tưởng cho má tôi. Người luôn tự tin, vững vàng qua mỗi tháng ngày điều trị. Tháng Mười năm 1983, em Hương đưa má tôi vào Bệnh viện K Sài Gòn khám bệnh sau phẫu thuật, người lại đưa em xuống Cần Thơ thăm tôi đang tập huấn nghiệp vụ ở đó. Suốt thời gian đau bệnh, không lúc nào người đòi hỏi gì, luôn động viên các con công tác tốt. Hồi ấy, lâu lâu tôi mới mua được cho má một hột vịt lộn. Người ăn mà vẫn xắn phần dành cho cháu. Cứ thế, lúc nào người cũng chỉ lo cho con cháu.
Lòng tôi trĩu nặng mỗi khi nhìn má vật vã chống chọi với những cơn đau. Những tháng ngày nằm viện sau này, có lúc người nói với tôi về cái chết. Hồi ấy tôi đọc những trường hợp người ta nhận biết về cái chết, về thời điểm sự sống rời khỏi thân xác. Tôi nói với người về ánh sáng cuối đường hầm, về vũ trụ bao la ngân nga khúc nhạc tình thương.  Trong ánh trăng rằm vời vợi này, tôi nghĩ má tôi đã đến miền cực lạc. Người xứng đáng được lên cõi niết bàn vì những gì người đã làm cho chồng và các con, cho cả cộng đồng.

Má ơi, trên sân thượng nhà con, trăng rằm tháng Bảy thật xa mà thật gần, như má lúc nào cũng bên con. Cầu mong linh hồn người mau siêu thoát, dù con nhớ má biết bao.           


Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

NỖI ĐAU DA CAM

Khi rải rác đó đây một vài người dị dạng vì nhiễm chất Đioxin, tôi vẫn thấy lòng nhói đau. Nhưng khi nhìn thấy gần 50 người với những hình hài biến dạng thì tim tôi như ngưng đập, và nước mắt nóng bỏng trào ra. Đồng bào tôi đó - những con người được thống kê trong tổng dân số Việt Nam. Họ đã sống mỗi phút giây, dù ý thức được hay không, để chiến đấu với nỗi đau da cam, nỗi đau nghiệt ngã trong dòng máu Việt sau chiến tranh chống Mỹ. Họ - những nạn nhân chất độc da cam/dioxin là "những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ". Tôi lại thấy mình được ưu ái quá nhiều, được Trời Phật ban phát quá nhiều. Những gì đã làm tôi đau khổ chẳng nghĩa lý gì so với bất hạnh của những nạn nhân bị nhiễm chất điôxin. Tôi phải sống tốt hơn nữa, và phải làm gì đó thiết thực hơn nữa cho những đồng bào bất hạnh của tôi. 

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

NHỚ QUANG TIẾN

Em ghé thăm tôi trên đường từ Hà Nội về Cần Thơ. Tháng Năm tôi đi Cần Thơ, không liên lạc được với em nên không về thắp hương cho Quang Tiến, tôi buồn. Em vẫn gọi tôi từ số máy cũ, chợt thấy ấm lòng...
Nhìn em, tôi nhớ Phan Quang Tiến của tôi. Tôi không hình dung được nếu còn sống đến bây giờ trông người ấy như thế nào. Cái tên ấy có lẽ đối với nhiều thày cô là nỗi phiền toái. Còn với tôi, khi xa nhau rồi tôi mới nhớ người làm sao. Tôi đã tìm hỏi khắp bạn bè mà không ai có thông tin gì về người. Suốt những năm đầu mới về Nam, sống với Nguyễn Lộc rồi chia tay Nguyễn Lộc, tôi vẫn tìm người. Tôi chỉ muốn biết người sống ra sao, gia đình về Nam ở đâu, Huệ-Hiền-Sỹ thế nào… Khi có được tin về người thì tôi đã mất người vĩnh viễn. Tôi đã nguyện là sẽ đến thắp một nén hương trên mộ người. Mãi đến năm 2006 tôi mới biết gia đình người ở Cần Thơ. Nếu có duyên thì tháng 10/1983 tôi đã được gặp người khi tôi đi học lớp AIBD.
            Trở lại Cần Thơ năm 2006, tôi khóc như mưa trước ảnh người. Vẫn là Quang Tiến của tôi bốn mươi năm trước - ánh mắt, nụ cười… Tôi lại nhớ một buổi tối mưa to ở ký túc xá Mễ Trì, người sừng sững trước cửa phòng tôi, sũng nước từ đầu đến chân. Tiễn người ra bến tàu điện, người nắm bàn tay tôi, vẫn chẳng nói một lời. Trước đó hai năm, người nói yêu tôi khi trong tim tôi đã có hình người khác. Từ đó không bao giờ người còn nói yêu tôi. Vậy mà sao khi xa nhau, tôi nhớ người đến thế. Mấy chục năm qua, người vẫn thường về trong giấc mơ của tôi. Và tôi hay nghĩ đến những dòng thơ của Onga Bergon: 
Anh vẫn về trong những giấc mơ em
Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh
Anh một thuở của cuộc đời như chim, như nắng
Như tình yêu hạnh phúc vô bờ…
        Tôi đã gửi đến người những nén hương thơm tình yêu và nỗi nhớ của tôi, của bạn bè. Có lẽ nơi xa ấy, người cũng hiểu rằng chúng tôi có duyên mà không có phận. Chỉ mong người nhẹ nhõm mà siêu thoát.